Nhìn xuống chân trái đã bị cụt hơn nửa bàn chân, nét mặt của thương binh 2/4 Nguyễn Xuân Thân dường như vẫn còn hiện lên nỗi đau khi mà vết thương ấy vẫn luôn hành hạ mỗi khi trái gió trở trời. Ông Thân cho biết: Là người con của vùng đất giàu truyền thống cách mạng – xã Hòa Thắng – huyện Bắc Bình, khi vừa tròn 20 tuổi chàng thanh niên Nguyễn Xuân Thân đã sớm tình nguyện đi kháng chiến, rồi sau đó được phân về Đại đội 481 – đặc công, tỉnh đội Bình Thuận. Trực tiếp tham gia nhiều trận đánh lịch sử, như trận đánh Hoài Đức - Bắc Ruộng năm 1960, tập kích vào thị Trấn Di Linh – 1961, đánh đồn Gia Bát năm 1961, rồi đánh Ấp chiến lược Bình Lâm, Bình An, Tuy Hòa.v.v.đã tôi rèn ý chiến đấu, sự gan dạ và lòng dũng cảm của người chiến sĩ đặc công Nguyễn Xuân Thân. Ghi nhận điều này, tháng 8 năm 1962, Nguyễn Xuân Thân chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam. Như được tiếp thêm sức mạnh, anh lính đặc công Nguyễn Xuân Thân đã không ngại gian khó, hiểm nguy luôn gan dạ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để rồi trong một lần đi nắm trước tình hình địch chuẩn bị công đồn Bà Gò – xã Hàm Chính – Hàm Thuận Bắc, vào tháng 3 năm 1967 anh lính đặc công Nguyễn Xuân Thân đã bị trúng mìn của địch và bị thương rất nặng. Được đồng đội phát hiện và đưa đi cứu thương nhưng sau 18 tháng điều trị ông đã bị cụt mất nửa bàn chân. Vết thương quá nặng không cho phép ông trực tiếp đánh giặc, ông được chuyển qua trường huấn luyện tân binh, rồi phụ trách Ty Thương binh của tỉnh rồi sau ngày giải phóng chuyển qua Sở Lao động TB&XH cho đến năm 1988 về hưu. Nói là nghỉ hưu nhưng thương binh 2/4 – Nguyễn Xuân Thân không cho phép mình nghỉ ngơi mà ông tiếp tục phát huy phẩm chất của anh “bộ đội Cụ Hồ”, tham gia trong các phong trào cách mạng nơi mình sinh sống. Từ tham gia công tác mặt trận rồi khu phố trưởng cho đến phó bí thư chi bộ và chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh khu phố 10 từ năm 1993 cho đến nay. Với ông tham gia đóng góp sức mình cho các phong trào cách mạng của địa phương cũng chính là trách nhiệm, tinh thần của một thương binh “tàn nhưng không phế”. Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thân, chia sẻ thêm: “Vào thời điểm đó, ở địa bàn dân cư còn thiếu cán bộ nên với một suy nghĩ trong chiến đấu cũng như trong công việc hay về với đời thường, dù mang trong mình thương tật nhưng giúp được việc gì cho địa phương là tôi sẵn sàng. Do đó, tôi không nề hà với công việc gì hễ tổ chức giao là làm và làm với một trách nhiệm cao”. “Thấy ông ấy bị cụt chân, đi lại khó khăn nhưng ông ấy vẫn luôn nhiệt tình chăm lo cho khu phố. Từ việc nhỏ đến việc lớn có tay ông ấy là mới làm được. Ví như thu hội phí hay các loại quỹ, chân đau vậy nhưng ông cũng đi từng con hẻm, đến từng nhà để vận động” - Nói thêm về tinh thần, trách nhiệm của CCB Nguyễn Xuân Thân, ông Nguyễn Khắc Tuất – hội viên chi hội CCB khu phố 10, phường Phú Thủy, cho biết.
Trong vai trò là người đảng viên, thương binh 2/4, người đầu tàu của chi hội CCB cơ sở thương binh Nguyễn Xuân Thân không chỉ là tấm gương giáo dục thế hệ trẻ mà ở ông còn là người xây dựng và phát huy được tinh thần, trách nhiệm và xây dựng mối đoàn kết trong hội viên cựu chiến binh để cùng nhau đưa tổ chức hội và địa phương ngày một đi lên. Trong đó, cùng với việc tổ chức tốt các hoạt động chăm lo xây dựng tổ chức hội và hội viên còn phải kể đến mô hình quỹ xoay vòng 300 ngàn đồng/hội viên mỗi tháng để giúp đỡ các hội viên khó khăn hay như việc phát huy vai trò của CCB trong tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền ở cơ sở đã đưa chi hội của ông luôn đạt và giữ vững chi hội trong sạch vững mạnh. Hiện chi hội không còn hộ nghèo và cận nghèo, 100% hội viên đều đạt gia đình văn hóa hàng năm. “Phải nói đồng chí Nguyễn Xuân Thân là một cán bộ hội tích cực, một thương binh tàn nhưng không phế. Ông làm rất tốt vai trò là chi hội trưởng trong chăm lo cho hội viên và góp phần giáo dục thế hệ trẻ. Phải nói ở ông Thân luôn phát huy rất tốt phẩm chất của “Anh bộ đội Cụ Hồ” - ông Lê Ngọc Tài – Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường Phú Thủy, nói thêm.
60 tuổi đảng, 83 tuổi đời, thương binh 2/4 – Nguyễn Xuân Thân không mong muốn gì hơn ngoài việc duy trì được sức khỏe ổn định để còn được đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thân, bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng, còn sức khỏe, còn giúp ích được gì cho xã hội là tôi sẵn sàng. Vì tham gia cũng là để giáo dục cho con cháu mình và cũng là để làm gương cho các thế hệ trẻ hiện nay”.
Với những thành tích trong kháng chiến cũng như trong quá trình công tác, CCB Nguyễn Xuân Thân đã được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý, như: huy hiệu 60 tuổi đảng, Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương chiến sĩ vẻ vang, huân chương chiến sĩ giải phóng, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.