Nuôi cá lóc trong ao bắt đầu manh nha tại xã Tiến Thành từ năm 2010, cho đến nay mô hình này thực sự phát triển với khoảng 10 hộ nuôi. Thế nhưng, điều đáng nói hơn đó là sự mạnh dạn thay đổi cách làm của ông Huỳnh Thành Trung khi đầu tư nuôi cá lóc trong ao phủ bạt. Đã qua tuổi 50 nên ông Trung quyết định nghỉ làm biển. Qua đợt tập huấn về mô hình nuôi cá lóc trong ao phủ bạt theo chương trình xây dựng Nông thôn mới do Trung tâm học tập cộng đồng xã phối hợp tổ chức, ông Trung là người tiên phong thực hiện mô hình này trên vùng đất cát Tiến Thành.
Với nguồn vốn khoảng 10 triệu đồng, ông Trung đã đầu tư 2 máy bơm nước, đào 1 cái ao hơn 80m2 để thả 6.000 con giống. Ban đầu, do chưa tìm hiểu kỹ quy trình chăm sóc, nên con giống chết hàng loạt. Sau đó, ông đã mua thêm 9.000 con giống và thực hiện theo đúng hướng dẫn. Đến nay sau gần 3 tháng rưỡi, số cá này đã phát triển hơn mong đợi, lượng cá tiêu hao không đáng kể, diện tích ao bị chật nên ông phải đào thêm 2 ao xung quanh để chia lượng cá ra.
Với hình thức nuôi như thế này, mỗi công lao động nhàn rỗi chỉ cho cá ăn 2 lần/ngày và thay nước trong ao. Thức ăn duy nhất được dùng là các loại cá biển da trơn, như bạc má. Với số cá lóc trưởng thành như hiện nay, thì mỗi ngày tiêu thụ 1 tạ thức ăn tương đương 1 triệu đồng. Theo ước tính, khi thu hoạch, trừ chi phí đầu tư ban đầu khoảng 10 triệu đồng và 30 triệu đồng tiền thức ăn, gia đình ông Trung thu về hơn 100 triệu đồng. Bởi giá cá lóc theo thị trường được thương lái đặt cọc mua là 40.000/kg, mà trong ao của ông hiện có khoảng 4 tấn cá.
Qua khảo sát cho thấy người nông dân tại xã Tiến Thành nuôi cá lóc bằng ao trải bạt cho hiệu quả tốt hơn so với các hình thức nuôi khác nhờ thuận lợi trong quản lý chăm sóc, phòng trị bệnh, cá tăng trọng nhanh và đồng đều, sản lượng đạt cao.
Đây sẽ là hướng đi mới để bà con nông dân tại xã Tiến Thành nói riêng phát triển kinh tế hộ gia đình, đưa xã nhà hoàn thành các tiêu chí theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2017 theo lô trình.