Chủ trì hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy – Chủ tịch HĐND TP Phan Thiết, Ông Nguyễn Văn Luân, đánh giá: Từ khi thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ chính trị (khóa XI) về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc VN và các tổ chức chính trị xã hội, cấp ủy đảng từ thành phố đến phường, xã đã tập trung chỉ đạo triển khai quán triệt Quyết định 217 của Bộ chính trị đầy đủ và kịp thời; tổ chức nghiêm túc việc học tập, quán triệt đạt tỷ lệ cao và ban hành các văn bản để triển khai thực hiện; góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò, vị trí của Mặt trận, các đoàn thể trong việc thực hiện Quy định về giám sát, phản biện xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến phường, xã đã chủ động phối hợp tham mưu cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện, bước đầu đạt kết quả tốt. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, phát hiện những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước ở địa phương trong sạch, vững mạnh. Việc thực hiện các chương trình phối hợp giám sát đã huy động được sự tham gia có trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức vào công tác giám sát. Nhiều ý kiến phản biện xã hội được các cơ quan tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý. Kết quả, trong 10 năm qua, Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội thành phố đã giám sát được 171/171 cuộc giám sát riêng và 3/3 cuộc giám sát chung - đạt 100% so với Kế hoạch Thành ủy phê duyệt; đồng thời, Mặt trận và các đoàn thể các phường, xã thực hiện 955 cuộc giám sát, 955 đối tượng, 175 nội dung mà cấp ủy đã định hướng, phê duyệt. Cũng trong 10 năm qua, cấp thành phố thực hiện phản biện được 50 cuộc - trong đó: Mặt trận 10 cuộc, Nông dân 7 cuộc, Đoàn thanh niên 18 cuộc, Phụ nữ 15 cuộc và cấp phường xã thực hiện phản biện được 258 cuộc, gồm: Mặt trận 72 cuộc, Nông dân 70 cuộc, Đoàn thanh niên 116 cuộc.
Cùng với những kết quả đạt được, tại hội nghị nhiều ý kiến tham luận của mặt trận, các ban ngành đoàn thể và cấp các địa phương cũng nêu lên những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị khóa XI, như: Một số tổ chức đoàn thể chưa thực hiện được việc phản biện xã hội trong thực hiện Quyết định số 217, còn lúng túng, nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân chưa có cơ chế cụ thể để giám sát, thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết, trả lời những kiến nghị; nội dung giám sát chưa sát tình hình thực tế của địa phương; phương pháp giám sát còn chưa đa dạng, chủ yếu giám sát theo chương trình, kế hoạch định sẵn; kết quả khắc phục những kiến nghị sau giám sát, phản biện còn chậm, chưa được thực hiện đúng theo quy định..….
Trên cơ sở đó, phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Luân, Phó bí thư Thường trực Thành ủy – Chủ tịch HĐND TP, yêu cầu: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc trong cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân các quy định của Đảng và Nhà nước về thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị (khóa XI) và các văn bản liên quan; Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Công văn số 189-CV/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đi đôi với tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt quy chế phối hợp, thống nhất hành động giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội với chính quyền, các ngành tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ chung. Tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện chức năng, giám sát, phản biện xã hội.