Những ngày này, tranh thủ thời gian tàu nằm bờ ngư dân Nguyễn Hữu Thanh ở khu phố 5, phường Đức Thắng, TP Phan Thiết đang sơn sửa lại thân tàu Bth 99146 TS và chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết cho chuyến biển sắp tới. Đây là một trong 2 chiếc tàu do ông Thanh làm chủ với tổng công suất 760cv. Thường xuyên bám biển trên các ngư trường ngoài khơi Đảo Phú Quý kéo dài xuống khu vực Quần đảo Côn Sơn thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, ngư dân Nguyễn Hữu Thanh hiểu rất rõ việc chấp hành các quy định khi đánh bắt trên biển. Ngư dân Nguyễn Hữu Thanh, nói: “Là nghề truyền thống của ông cha nên hễ có quy định gì là chúng tôi đều chấp hành, từ trang bị máy móc thiết bị, ngư lưới cụ đúng chuẩn cho đến việc đăng kí, đăng kiểm hàng năm nhà tôi đều đầy đủ. Chuyến biển nào cũng vậy, đi thì mình trình báo biên phòng, cập bến thì mình báo cho cảng trước khoảng tiếng đồng hồ. Ra ngoài đánh bắt thì mình không xâm phạm lãnh hải nước ngoài, mình chỉ khai thác vùng biển mình thôi”. Cùng quan điểm trên, ngư dân Nguyễn Văn Mạnh – ở khu phố 4, phường Hưng Long cho biết thêm: “Ở nhà thì trước khi đi cũng qua bên biên phòng khai báo, rồi khi tàu vô cũng khai báo cho bên cảng. Nói chung chúng tôi đều chấp hành hết.”
Việc chấp hành đầy đủ các quy định khi tàu rời bến cũng như quá trình đánh bắt hải sản trên biển cho đến khi tàu cập bờ là điều mà nhiều ngư dân Phan Thiết luôn thực hiện, bởi - đây không chỉ là quy định mà còn là sự bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến biển. Và đặc biệt hơn, việc làm này cũng chính là giúp bà con phát triển nghề truyền thống của ông cha theo hướng bền vững và hiệu quả hơn. Nói về điều này, ngư dân Nguyễn Hữu Thanh chia sẻ: “Đây là cái nghề truyền thống của ông cha và là cái nghề để phát triển kinh tế gia đình mình nên mình không có thể nào mà bỏ được. Nên để bảo vệ vùng biển của mình và cũng là bảo vệ vùng biển của Nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam thì khi khai thác mình không nên đánh bắt dùng chất nổ hủy hoại các loại sinh vật biển. Mình vừa làm, mình vừa khai thác mà vừa bảo vệ quyền và chủ quyền của biển đảo. Mình cũng đã được đi tập huấn và mình nghĩ để phát triển nghề biển lâu dài thì cũng cần có Nhà nước hỗ trợ thêm”.
Là địa phương có thế mạnh về khai thác hải sản với 1.812 tàu cá, trên 324.000cv, trong đó có 445 tàu có chiều dài từ 15,0 mét trở lên (số liệu tính đến cuối năm 2021). Hiện Phan Thiết đã có 420/445 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định đạt tỷ lệ 94,4%. Thời gian qua, công tác chống khai thác IUU, đặc biệt là ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài được Thành ủy, UBND TP quan tâm chỉ đạo sát sao và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, giảm thiểu, đi đến loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn. Ngoài ra, để quản lý tốt số lượng tàu cá và thuyền viên hoạt động trên biển, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, chú trọng tàu cá có công suất lớn, khai thác hải sản xa bờ, vùng biển ngoài tỉnh, đi đôi với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho ngư dân theo quy định thành phố đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiên quyết không cho xuất bến đối với các trường hợp chưa đủ hồ sơ theo quy định. Đồng thời, phối hợp thực hiện tốt công tác giám sát hoạt động của tàu cá trên các vùng biển xa thông qua hệ thống thông tin liên lạc giữa tàu cá và trạm bờ, triển khai việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá xa bờ, tàu cá hoạt động nghề giã cào theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017... hướng đến phát triển nghề biển bền vững. Đối với các nghề có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài như: Câu khơi, pha xúc…thành phố cũng đã chỉ đạo UBND các phường xã nghề cá phối hợp các Đồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn tổ chức triển khai ký cam kết không vi phạm cho các chủ thuyền; đồng thời phối hợp xử lý nghiêm đối với chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá vi phạm các quy định khi khai thác trên biển. Song song đó, Phan Thiết cũng đặc biệt chú ý đến công tác củng cố các tổ đoàn kết cho những tàu có công suất từ 90cv trở lên và phát huy vai trò của ngư dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển nước CHXH CN Việt Nam. Kết quả, từ năm 2012 đến nay Phan Thiết không ghi nhận trường hợp tàu cá vi phạm vùng lãnh hải nước ngoài.
Mặc dù, nhiều năm qua, Phan Thiết không có trường hợp tàu cá vi phạm vùng lãnh hải nước ngoài khi khai thác trên biển nhưng một khó khăn đặt ra trong chống khai thác IUU của Phan Thiết hiện nay đó là lao động biển vừa thiếu lại thường xuyên biến động và đa phần là lao động ngoài tỉnh ; hay như vẫn còn tình trạng một số tàu giã cào bay hoạt động sai tuyến và đặc biệt một số tàu vẫn chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định.v.v. Bên cạnh đó, thiết bị giám sát hành trình tàu cá của một số ngư dân sau khi lắp đặt không được bảo trì thường xuyên dẫn đến kết nối chập chờn, chất lượng thu phát sóng của thiết bị VMS thường xuyên mất kết nối.v.v
Thực hiện chủ trương cùng cả nước khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp và để xóa sổ tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, Phan Thiết tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 30, ngày 16/01/2018, về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đối với công tác chống khai thác IUU trên địa bàn thành phố. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương có nghề cá tiếp tục củng cố, phát triển khai thác hải sản theo hình thức tổ, đội đối với tàu cá tham gia khai thác vùng biển xa bờ, đảm bảo 100% số tàu cá thuộc đối tượng này phải tham gia khai thác theo hình thức tổ, đội, không để tình trạng tàu cá đi đánh bắt xa bờ hoạt động đơn lẻ, không đảm bảo an toàn và không được kiểm soát.
Với quyết tâm “xóa sổ” tình trạng tàu cái vi phạm IUU, TP Phan Thiết đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục những khó khăn, góp phần cùng ngư dân “vươn khơi bám biển”, ngăn chặn, giảm thiểu, đi đến loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.