Trao đổi với Thành đoàn Phan Thiết (cơ quan thường trực lễ hội) được biết theo quy định của Ban Tổ chức, để lễ hội thực sự có ý nghĩa là sân chơi của các cháu thiếu nhi, ngoài yếu tố lồng đèn lớn (cộ đèn lớn) do không có điều kiện để làm nên phải đặt ở một số cơ sở và nghệ nhân để làm, thì lồng đèn nhỏ phải do chính tay các em học sinh cùng với giáo viên và cha mẹ học sinh tự làm; đây cũng là yếu tố quan trọng, quyết định kết quả giải thưởng của lễ hội. Do vậy, trong những ngày qua không khí làm lồng đèn của thầy và trò các trường để chuẩn bị tham gia lễ hội đã nóng lên, cơ quan thường trực lễ hội cũng bố trí, phân công cán bộ cùng với Phòng giáo dục thành phố đến tận từng trường vừa kiểm tra việc tự làm lồng đèn vừa động viên tinh thần để thầy và trò các trường có được sản phẩm đẹp nhất tham gia lễ hội.
Lễ hội Trung thu năm nay có chủ đề: “Thiếu nhi Phan Thiết; Vui Tết Trung thu; Học tập chăm ngoan; Làm nghìn việc tốt”, lễ hội sẽ quy tụ 31 đơn vị, với trên 3.000 học sinh tham gia (27 trường học và 4 cụm trường học của các phường, xã xa), tương đương với 31 cộ đèn lớn. Riêng lồng đèn nhỏ, năm nay Ban Tổ chức cũng có quy định mới, do đặc thù số lượng học sinh của từng loại trường khác nhau nên việc phân bổ số lượng cũng khác nhau (số lượng học sinh tương đương số lượng lồng đèn nhỏ). Đối với khối tiểu học, trường loại 1 số lượng là 80 em; trường loại 2,3 số lượng là 70 em; đối với khối THCS, trường loại 1 số lượng là 100 em; trường loại 2,3 số lượng là 80 em. Kích thước lồng đèn cũng có quy định cụ thể, đối với lồng đèn nhỏ chiều cao không quá 60cm (chưa tính cán), ngang không quá 40cm; đối với cộ đèn lớn, cao không quá 4m và ngang không quá 3m và phải có hình - kiểu dáng phù hợp với chủ đề của lễ hội.
Sau chương trình lễ khai mạc, lễ hội sẽ rước đèn diễu hành trên các trục đường phố chính của thành phố, với lộ trình dài 2.900mét, cụ thể: Xuất phát từ quãng trường Nguyễn Tất Thành - rẽ trái đường Tôn Đức Thắng - rẽ trái đường Thủ Khoa Huân - đến ngã tư Phú Hài, rẽ trái đường Trần Hưng Đạo, qua cầu Trần Hưng Đạo - đến ngã tư Nguyễn Du - Trần Hưng Đạo (một số đơn vị bắt đầu giải tán) - ngã bảy, tại đây đội hình chính thức giải tán. Sau đêm tổ chức và tham gia lễ hội cấp thành phố, vào đêm hôm sau các địa phương phường, xã và cơ quan đơn vị sẽ tổ chức các hoạt động vui trung thu cho các cháu thiếu nhi của địa phương, đơn vị mình. Trong đó, các ngành, các cấp thành phố cũng đã kế hoạch chăm lo tặng quà bánh, lồng đèn cho các cháu thiếu nhi khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em gia đình khó khăn, học sinh trường tình thương, trung tâm phục hồi chức năng, mái ấm huynh đệ... để các cháu thiếu nhi cùng được vui trung thu với các bạn cùng trang lứa.
Lễ hội Trung thu thành phố Phan Thiết là một hoạt động văn hoá truyền thống được duy trì và tổ chức hàng chục năm nay, lễ mang sắc thái văn hoá truyền thống - dân gian này đã được tạp chí RedBook Việt Nam (tạp chí Sách đỏ kỷ lục Việt Nam) công nhận là lễ hội Trung thu có quy mô lớn nhất cả nước vào năm 2005. Đây cũng là một trong các lễ hội được Thành phố Phan Thiết duy trì, đầu tư và phát triển phục vụ cho hoạt động du lịch của địa phương.