Khu phố 3 thuộc phường Phú Trinh, thành phố Phan Thiết có 495 hộ với 1.932 nhân khẩu, ngoài trừ số hộ nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Hội và Từ Văn Tư; phần đông đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, hầu hết là lao động phổ thông. Mặt khác, khu phố lại nằm ở khu vực trũng, trong khi hệ thống thoát nước còn hạn chế do vậy việc đi lại ở khu phố không được thuận lợi, nhất là vào mùa mưa. Trước tình hình trên, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng uỷ và UBND phường Phú Trinh, với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, chi bộ khu phố 3 đã bàn và thống nhất lãnh đạo thực hiện việc “bê tông hoá” các đường hẽm bên trong khu dân cư. Căn cứ vào thiết kế và dự toán từng công trình đã được cấp trên phê duyệt, UBND phường là chủ đầu tư, nhưng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thống nhất chủ trương, tham gia đóng góp kinh phí do khu phố thực hiện. Phương pháp vận động của chi bộ đầu tiên là phải bàn ở cấp uỷ, thống nhất rồi đưa ra toàn thể chi bộ, khi chi bộ tán thành bằng nghị quyết rồi mới giao nhiệm vụ cho Ban điều hành khu phố thực hiện với sự vận động tích cực, nòng cốt của đảng viên. Tùy tình hình cụ thể trên từng tuyến đường, với những hộ nghèo, những hộ thực sự khó khăn có thể xem xét được miễn đóng góp, những hộ ở trước hẻm đóng 1 suất, còn những hộ sau hẻm là đóng 1/2 suất, bà con nào có điều kiện tài chính thì đóng góp ủng hộ thêm. Gần 3 năm qua, tuy còn nhiều khó khăn nhưng bà con nhân dân rất phấn khởi và nhiệt tình ủng hộ, tham gia đóng góp để xây dựng 5 tuyến đường: Hẽm 39 nối từ đường Cao Hành ra đường Từ Văn Tư (cùng đóng góp vận động thực hiện với khu phố 2); đường hẽm 74 Nguyễn Hội (cùng vận động thực hiện với khu phố 5); các con hẽm 57, 109, 111 Từ Văn Tư. Trước đây đất cát, lầy lội là thế, giờ thì không còn nữa vì đã được đổ bê tông phẳng phiu, có hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường đã thay đổi hẳn. Với tổng chiều dài 5 con hẻm là 780m và được thực hiện bằng số tiền huy động là 1,316 tỷ đồng, trong đó do nhân dân đóng góp gần 0,5 tỷ đồng, một số tiền không nhỏ đối với một khu phố mà phần lớn thu nhập của bà con còn nhiều khó khăn. Ngoài những hộ góp theo định suất, vẫn có những hộ đóng thêm 2 suất, có hộ đã đóng góp đến 8 triệu đồng, thể hiện được sự đồng thuận cao để từ đó nội lực trong cộng đồng dân cư được khai thác và phát huy tốt hơn vì lợi ích của cả cộng đồng, tạo ra phong trào hành động cách mạng ngày càng sâu rộng “lấy sức dân để lo cho dân” góp phần tích cực thúc đẩy tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn ngày một phát triển.
Hiện nay, nhiều khu phố, thôn trên địa bàn thành phố Phan Thiết vẫn còn nhiều tuyến đường, con hẽm nắng bụi, mưa bùn lầy lội nhưng việc bê tông hóa vẫn còn khó khăn. Bài học thực tiễn “lấy sức dân để lo cho dân”, đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” hơn lúc nào hết cần được phát huy. Vấn đề đặt ra là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy cơ sở và nhất là chi bộ khu phố, thôn có quyết tâm cao, có làm tốt công tác vận động quần chúng để tạo sự đồng thuận, để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu của chi bộ đề ra góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, thật sự học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.