Trưởng Ban điều hành khu phố 5, phường Đức Nghĩa, ông Trần Vi Hiệp, cho biết: toàn khu phố hiện có 309 hộ với 1.047 cử tri, đa phần người dân khu phố là hộ kinh doanh buôn bán nhỏ, lao động tự do, số ít là lao động biển và cán bộ công chức. Qua công tác nắm bắt địa bàn, trưởng ban điều hành khu phố 5 cũng nhận thấy đa phần cử tri của khu phố đều bày tỏ quan điểm đồng tình với chủ trương sáp nhập, bên cạnh số ít người dân còn có ý kiến ngược lại hoặc có quan điểm sáp nhập cũng được và giữ nguyên cũng được. Do đó, đi đôi với việc triển khai lấy ý kiến cử tri thông qua phát phiếu lấy ý kiến theo hộ gia đình đảm bảo theo kế hoạch, yêu cầu đặt ra, khu phố sẽ đồng thời thực hiện công tác vận động, tuyên truyền thêm. Cho rằng việc triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 tại địa phương nói riêng là một chủ trương lớn, cần phải tổ chức một cách chặt chẽ, đúng quy trình, ông Đỗ Ngọc Nuôi, Bí thư chi bộ khu phố 2, phường Đức Nghĩa, bày tỏ quan điểm cá nhân về tên gọi phường mới theo đề xuất của ông là phường Nghĩa Thắng – thay vì phường Lạc Đạo như Đề án 1A dự kiến. Vì theo ông Đỗ Ngọc Nuôi, trước đây TP Phan Thiết cũng có tên hợp tác xã Nghĩa Thắng và tên gọi này thể hiện sự gần gũi, tình cảm của người dân.
Trước các ý kiến đặt ra, đi đôi việc phổ biến các chủ trương và thông qua Đề án 1A, tại cuộc họp triển khai việc tổ chức lấy ý kiến cử tri vào sáng ngày 17/6/2024, lãnh đạo UBND phường Đức Nghĩa cũng đã hướng dẫn cụ thể cách thức lấy ý kiến cử tri thông qua lấy phiếu hộ gia đình; đồng thời, giải đáp các thắc mắc có liên quan. Theo bà Đỗ Thị Thuý Nga – Chủ tịch UBND phường Đức Nghĩa, cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC phường Đức Nghĩa từ tháng 9/2023, địa phương cũng đã triển khai các nội dung theo các kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên. Trong đó, thực hiện theo chỉ đạo tại Công văn 3391, ngày 28/5/2024 của UBND TP Phan Thiết, đến ngày 20/5, Đức Nghĩa đã lập và niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường và các khu phố danh sách cử tri để lấy ý kiến về sắp xếp ĐVHC; kết quả, toàn phường có 7.470 cử tri ở 2.842 hộ; trong số này có 7.387 cử tri diện thường trú và 86 cử tri diện tạm trú. Chủ tịch UBND phường Đức Nghĩa, cho biết thêm: Theo hướng dẫn, Phiếu lấy ý kiến cử tri về việc nhập ĐVHC phường Lạc Đạo, phường Đức Thắng, phường Đức Nghĩa thành phường mới dự kiến đặt tên phường Lạc Đạo, được trình bày trên 01 mặt giấy A4 gồm các cột ô: danh sách cử tri trong hộ gia đình, đồng ý hay không đồng ý, kí tên và mục ý kiến khác nếu có. Phiếu này sẽ được phát đến tận tay từng hộ gia đình cử tri để lấy ý kiến sau đó sẽ được các khu phố tổng hợp, báo cáo về UBND phường để tổng hợp trình HĐND cùng cấp cho ý kiến. Để đảm bảo thực hiện theo thời gian lộ trình, đi đôi với việc in và phát phiếu cho các Ban điều hành 06 khu phố, Đức Nghĩa cũng đang tập trung phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch các mốc thời gian quy định. Cụ thể, việc lấy ý kiến cử tri sẽ bắt đầu từ ngày 20/6 và kết thúc vào ngày 24/6 để tổng hợp trình HĐND phường tổ chức thảo luận biểu quyết thông qua trong khoảng thời gian đến ngày 28/6, trước khi báo cáo lên thành phố theo thẩm quyền.
Ngày 25/10/2017, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã xác định: “Đến năm 2021, sắp xếp thu gọn hợp lý các ĐVHC cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, khu phố; từ năm 2021 đến năm 2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các ĐVHC cấp huyện, xã và thôn, khu phố theo tiêu chuẩn quy định”. Ngày 24/12/2018, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW, đề ra mục tiêu: “Sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý ĐVHC các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về ĐVHC, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030 các ĐVHC cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, giai đoạn từ năm 2022 - 2030, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019 - 2021, xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã phù hợp với Quy hoạch tổng thể ĐVHC”.
Tại tỉnh Bình Thuận, qua rà soát tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tỉnh Bình Thuận không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện bắt buộc sắp xếp; có 08 ĐVHC cấp xã (02 xã, 06 phường) thuộc diện bắt buộc sắp xếp do đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Bình Thuận giúp tinh gọn tổ chức bộ máy ở cấp xã, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước, mở rộng không gian phát triển; hệ thống chính trị ở cơ sở được kiện toàn, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động; giúp công tác quản lý nhà nước được tốt hơn, các thủ tục hành chính tiếp tục được cải cách, đơn giản hóa từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số, giúp giải quyết công việc nhanh, hiệu quả hơn; góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, giải quyết bất hợp lý về phân định địa giới ĐVHC do quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Và tại Đề án 1A, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của ĐVHC phường Lạc Đạo (có diện tích tự nhiên 0,49 km2, đạt 8,91% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 14.332 người, đạt 204,74% so với tiêu chuẩn), phường Đức Thắng (có diện tích tự nhiên 0,48 km2, đạt 8,73% so với tiêu chuẩn, quy mô dân số 10.545 người, đạt 150,64% so với tiêu chuẩn) và phường Đức Nghĩa (có diện tích tự nhiên 0,39 km2, đạt 7,09% so với tiêu chuẩn, quy mô dân số 12.328 người, đạt 176,11% so với tiêu chuẩn) thành ĐVHC phường mới và dự kiến đặt tên là phường Lạc Đạo. Vì hiện nay, các ĐVHC phường Lạc Đạo, phường Đức Thắng và phường Đức Nghĩa có diện tích tự nhiên rất nhỏ thuộc diện bắt buộc sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 (diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% so với tiêu chuẩn quy định); có vị trí địa lý liền kề, thuận lợi kết nối giao thông, tạo không gian phát triển đô thị; các ĐVHC có nhiều nét tương đồng về văn hóa, dân tộc, phong tục, tập quán, tín ngưỡng; cả 03 phường đều là ĐVHC cấp xã ven biển; đa phần người dân làm nghề đánh bắt thủy sản, hoạt động kinh tế biển. Do đó, việc thực hiện sáp nhập 03 ĐVHC là phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và yêu cầu thực tế của địa phương. Lý do dự kiến đặt tên ĐVHC cấp xã mới là phường Lạc Đạo: (1) Phường Lạc Đạo là tên gọi của một trong các tên gọi đã có trong 03 ĐVHC trước khi sáp nhập; (2) Phường Lạc Đạo có nhiều cơ quan hành chính của thành phố đặt trụ sở, có quy mô dân số đông hơn phường Đức Nghĩa và phường Đức Thắng nên hạn chế tác động đến người dân, tổ chức khi thay đổi các loại giấy tờ có liên quan sau khi sáp nhập; (3) Trụ sở làm việc của phường Lạc Đạo (mới) dự kiến đặt tại trụ sở hiện tại của phường Lạc Đạo (cũ) đã được đầu tư mới, khang trang, có vị trí trung tâm, thuận tiện cho người dân.