Theo đó, từ đầu tháng 4/2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận xảy ra ít nhất 2 vụ các đối tượng giả danh cơ quan tư pháp gọi điện đến người dân để lừa đảo tại tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Hàm Thuận Bắc và Ngân hàng Agribank chi nhánh Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam với số tiền khoảng 05 tỷ đồng. Các đối tượng gọi điện hù dọa người dân đang liên quan đến một vụ án nghiêm trọng, qua đó, yêu cầu họ phải chuyển tiền vào tài khoản hoặc cung cấp mã OTP cho chúng. Tuy nhiên, trước tinh thần cảnh giác và sự nhạy bén của nhân viên ngân hàng phối hợp cùng công an địa phương đã kịp thời ngăn chặn việc người dân thực hiện các thủ tục giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo. Mặc dù, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền như nêu trên đã được thường xuyên thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng thực tế vẫn có không ít người mất cảnh giác rơi vào “bẫy” của các đối tượng lừa đảo, mất hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Vì vậy, để góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, nắm được các phương thức thủ đoạn của tội phạm lừa đảo này, Công an Phan Thiết đề nghị các phòng, ban, các lực lượng vũ trang thành phố, các phường xã, các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, công an các xã phường, đội nghiệp vụ tổ chức tuyên truyền, phổ biến tờ rơi và in sao tờ rơi gửi đến cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên chức, người lao động và Nhân dân biết, cảnh giác không để bị kẻ xấu lừa đảo.
Theo tờ rơi đính kèm, phương thức thủ đoạn là các đối tượng lừa đảo thường sử dụng số điện thoại gần giống số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để gọi điện cho bị hại; thông báo họ đang có liên quan đến một vụ án đang điều tra, đồng thời, dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân khiến nạn nhân sợ hãi; yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, không trình báo cho cơ quan Công an được biết; yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng với lý do để phục vụ công tác xác minh, điều tra; yêu cầu bị hại chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, nếu không liên quan vụ án sẽ trả lại. Văn bản cũng nêu biện pháp phòng ngừa đối với công dân, tổ chức: Cơ quan Công an khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập gửi đến người mà cơ quan Công an muốn làm việc; cơ quan Công an không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội, không nhận chuyển tiền qua chuyển khoản ngân hàng (internet banking). Công dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai qua mạng xã hội, điện thoại. Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ thông báo với Cơ quan Công an nơi gần nhất. Trường hợp mới chuyển tiền, ngay sau đó phát hiện hoặc nghi ngờ bị lừa đảo thì liên hệ ngay với Ngân hàng để được hướng dẫn phong tỏa tài khoản. Đối với nhân viên ngân hàng, lưu ý các trường hợp người trung, cao tuổi, phụ nữ đi chuyển tiền số lượng lớn hoặc rút sổ tiết kiệm với tâm lý không bình thường hoặc có biểu hiện lo sợ thì cần kiểm tra kỹ thông tin. Nếu phát hiện hoặc nghi vấn thì tạm hoãn giao dịch để làm rõ và thông báo cho Cơ quan Công an gần nhất phối hợp giải quyết.