Xây dựng con người Phan Thiết phát triển toàn diện
Xây dựng con người Phan Thiết phát triển một cách toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ, trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu quê hương; giáo dục kỹ năng sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và có lối sống văn minh, thân thiện, nghĩa tình, có lòng tự chủ, tự trọng, ứng xử có văn hóa.
Thực hiện tốt việc triển khai nhiệm vụ công tác phổ cập giáo dục hàng năm, chỉ đạo các giải pháp nhằm giảm thiểu học sinh bỏ học, huy động học sinh ra lớp, phân luồng học sinh sau bậc tiểu học. Xây dựng mỗi trường học thực sự là nơi giáo dục, rèn luyện lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống cho thế hệ trẻ; kết hợp chặt chẽ giữa ba môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường và xã hội. Chú trọng phát huy vai trò làm gương của các bậc cha mẹ, ông bà trong mỗi gia đình. Đã đẩy mạnh các hoạt động của Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường, tổ chức các phong trào thi đua học tập, thi tìm hiểu về lịch sử truyền thống, pháp luật, những giá trị văn hoá của dân tộc... ; duy trì hình thức tuyên dương học sinh giỏi, những tấm gương sáng về lòng hiếu học, lòng hiếu thảo, lòng tôn kính thầy cô, giúp đỡ bạn bè gặp khó khăn, hoạn nạn.
Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được khơi dậy rộng khắp, phong phú về nội dung, đa dạng về loại hình, thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân, các cơ quan đơn vị, trường học và lực lượng vũ trang tham gia. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được quan tâm duy trì thường xuyên. Hàng năm, vào dịp lễ, tết, kỷ niệm các sự kiện của quê hương, đất nước bên cạnh việc tổ chức các hoạt động của thành phố, các địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao như cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, cờ tướng,…nhằm phát triển rộng rãi phong trào thể thao quần chúng ngày càng sâu, rộng và lan tỏa.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
Việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cùng các phong trào thi đua khác ngày càng được mở rộng và từng bước đi vào thực chất trong đời sống xã hội. Thông qua đó, các giá trị, chuẩn mực đạo đức được đề cao trong gia đình và cộng đồng, các phong trào “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “giúp đỡ người tàn tật, chăm sóc trẻ em cơ nhỡ”, “giúp nhau giảm nghèo” được nhân dân đồng tình hưởng ứng, ý thức trong việc chống văn hóa lai căn, độc hại phi đạo đức, làm ăn phi pháp, các thói hư tật xấu, các hủ tục, mê tín dị đoan, cờ bạc, số đề, ma túy, mại dâm, bạo lực…
Các danh hiệu khu phố, thôn văn hóa; Danh hiệu cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; Danh hiệu gia đình văn hóa của các khu phố, thôn, gia đình, cơ quan, đơn vị năm sau cao hơn năm trước. Các cơ quan, đơn vị trong toàn thành phố thực hiện tốt các nội dung, tiêu chí về xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; cán bộ, công chức, viên chức chấp hành nghiêm chỉnh mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Thực hiện quy chế Dân chủ ở cơ quan và các Luật công chức, viên chức và Luật chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; Nghiêm túc triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tạo chuyển biến tích cực...người dân có ý thức chấp hành quy ước xây dựng đời sống văn hóa của khu phố, thôn, dần xóa bỏ các hủ tục rườm rà, lạc hậu, việc rải vàng mã trên đường đưa tang giảm đáng kể.
Các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư, góp phần phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng khu phố, thôn, cơ quan, đơn vị văn hóa, tạo môi trường xã hội lành mạnh.
Công tác quản lý toàn diện hoạt động văn hóa trên địa bàn thành phố được tăng cường, việc chăm lo đời sống văn hóa của nhân dân được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở quan tâm thường xuyên. Thành phố thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như karaoke, vũ trường. Công tác kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa được tăng cường và kiên quyết xử lý các trường hợp vị phạm nhằm hạn chế tối đa những hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội biến tướng từ các dịch vụ ngành nghề nhạy cảm nói trên, uốn nắn những biểu hiện sai trái, lệch lạc, đẩy lùi các tiêu cực, tệ nạn xã hội, các sản phẩm độc hại, tạo môi trường văn hóa lành mạnh.
Hiệu quả các hoạt động văn hóa ngày một nâng cao
Công tác duy tu, bảo dưỡng các Đình làng và khu Di tích lịch sử hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn thời gian qua được thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện; cùng với kinh phí nhà nước là sự đóng góp của quần chúng nhân dân cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích và tổ chức các lễ hội hàng năm vừa phục vụ tốt đời sống văn hóa nhân dân địa phương vừa thu hút khách du lịch như Lễ hội Đua thuyền truyền thống, Vượt đồi cát, Lễ Hội cầu ngư, Lễ hội nghinh ông, Lễ hội Trung thu hàng năm. 5 năm qua, các di tích được trùng tu, tôn tạo như: Nhà trưng bày bộ cốt Ông Nam Hải (Cá Voi) tại khu di tích Vạn Thủy Tú, đình làng Đức Thắng, chùa Bà Đức Sanh, Tháp nước,...Tính đến nay, trên địa bàn thành phố Phan Thiết có 16 di tích được xếp hạng công nhận, trong đó 08 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và 08 di tích cấp quốc gia (tăng 04 di tích so với năm 2014).
Các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống của thành phố vào các dịp lễ, tết được duy trì và tổ chức tốt. 5 năm qua, thành phố tổ chức hàng chục chương trình ca múa nhạc tổng hợp, trên 80 giải thể thao; xây dựng và biểu diễn trên 100 chương trình văn nghệ; hỗ trợ các đơn vị, địa phương tổ chức văn nghệ gần 200 buổi; tích cực tham gia các hội thi, hội diễn, các giải thể thao do tỉnh tổ chức và đạt nhiều thành tích cao.
Về thiết chế Nhà văn hóa: tính đến nay, thành phố có 04 Nhà văn hóa xã và 03 Nhà văn hóa phường (ghép với Trung tâm học tập cộng đồng); có 115/131 Nhà văn hóa khu phố, thôn (trong đó, có 20 Nhà văn hóa thôn và 95 Nhà văn hóa khu phố). Về sân bãi thể thao: có 04 sân thể thao bóng đá 11 người (Thiện Nghiệp, Tiến Lợi, Tiến Thành, Mũi Né đang nằm trong quy hoạch khu liên hợp thể thao). Các thiết chế thể thao của các cơ quan, đơn vị và tư nhân đầu tư gồm: 4 sân quần vợt, 23 sân bóng chuyền, 6 bể bơi, 15 sân cầu lông và 32 sân bóng mini. Về đầu tư xây dựng khu hoạt động thể thao của Trung tâm Thể dục Thể thao thành phố đang tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 33 vẫn còn tồn tại, hạn, khuyết điểm đó là:
- Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa còn nhiều bất cập. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thiếu đồng bộ. Công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử, văn hoá chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều di tích xuống cấp chưa được trùng tu, sửa chữa kịp thời. Công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động văn hóa chưa thường xuyên, triệt để.
- Chất lượng các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân. Các loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa truyền thống tuy được khôi phục nhưng chưa nhiều. Các trung tâm học tập cộng đồng, các thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa phát huy được hiệu quả đúng mức. Khu vui chơi giải trí công cộng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nhất là trẻ em chưa nhiều.
- Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa trên địa bàn thành phố có tiến bộ bước đầu nhưng chưa rộng khắp, việc thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển công nghiệp văn hóa còn hạn chế. Công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa chưa phát triển, quy mô còn nhỏ, lẻ. Các sản phẩm văn hóa phục vụ cho du lịch, dịch vụ chưa phong phú, đa dạng; chưa gắn sản phẩm văn hóa với sản phẩm du lịch, làng nghề.
- Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đôi lúc, đôi nơi còn mang tính hình thức, thiếu bền vững, còn nặng bề nổi, chưa đi vào chiều sâu. Việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước văn hóa cộng đồng, văn hóa công sở, công nhận gia đình văn hóa còn mang tính hình thức.
Do vậy, trong thời gian đến, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy những kết quả đã đạt được, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu quê hương; giáo dục kỹ năng sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và có lối sống văn minh, thân thiện, nghĩa tình, có lòng tự chủ, tự trọng, ứng xử có văn hóa, “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.
- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá; khu phố, thôn, gia đình văn hoá đúng thực chất. Đặc biệt, chú trọng xây dựng và phát huy vai trò của gia đình; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, sống có nền nếp; phát huy và nhân rộng các mô hình họ, tộc văn hoá, gia đình văn hóa tiêu biểu, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau…; gắn kết chặt chẽ mối quan hệ gia đình, nhà trường và xã hội.
- Huy động sức mạnh của cả cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy có hiệu quả các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và nâng cao trình độ thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
- Phối hợp với các ngành chức năng tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá, nhất là các thiết chế phục vụ hoạt động văn hoá, du lịch. Đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, sân chơi giải trí cho nhân dân và du khách. Phát triển và bảo tồn các hoạt động văn hoá lành mạnh, truyền thống của địa phương.
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả thiết thực các hoạt động lễ, hội; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật, thể dục - thể thao trên địa bàn thành phố. Chú ý khôi phục và phát huy hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm văn hoá truyền thống của thành phố.