Thực hiện chủ đề của Trung ương Đoàn TNCS HCM trong năm 2023 là năm chuyển đổi số các hoạt động của đoàn, thời gian qua, Thành đoàn Phan Thiết đã xây dựng kế hoạch, triển khai đến các cơ sở đoàn trực thuộc thông qua các hoạt động của đoàn, tạo đợt sinh hoạt sâu rộng trong tuổi trẻ, nâng cao nhận thức và khẳng định được vai trò tiên phong đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số của tuổi trẻ Phan Thiết. Theo đó, các tổ chức đoàn trực thuộc Thành đoàn Phan Thiết đã chủ động cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số thành những mô hình, giải pháp, những phần việc gắn với nhiệm vụ công tác đoàn và các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Chị Phan Thị Thu Hằng – Bí thư Thành đoàn Phan Thiết, trao đổi thêm: “Đến nay, 18/18 cơ sở đoàn phường xã đều xây dựng tổ công nghệ số cộng đồng với nhiều hoạt động ý nghĩa, như: phối hợp hỗ trợ người dân cài đặt định danh điện tử VnID, hỗ trợ bộ phận một cửa các xã phường trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến v.v.Riêng Thành đoàn Phan Thiết đã cho ra mắt 02 Công trình số hóa Mã QR "Tháp nước Phan Thiết - Phan Thiet Water Tower” và số hóa địa chỉ đỏ "Bưng Kò Ke - Núi Ba Hòn" ở xã Tiến Thành, nơi đặt trụ sở của Thị Ủy để lãnh đạo quân và dân Phan Thiết trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu các di tích lịch sử của thành phố đến du khách trong và ngoài nước”. Tiếp tục nhân rộng các công trình số hóa các di tích lịch sử - văn hóa và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để đưa chuyển đổi số ngày càng lấn sâu vào các hoạt động của đoàn, Thành đoàn Phan Thiết xác định sẽ tiếp tục đồng hành, tiên phong cùng tuổi trẻ thành phố thực hiện thành công chủ đề năm chuyển đổi số các hoạt động của đoàn.
Cùng với việc gắn chuyển đổi số với hoạt động chuyên môn của đơn vị tại các cơ quan, phòng ban chuyên môn của thành phố như Thành đoàn Phan Thiết nói trên, hiện nay tại 18 xã phường của Phan Thiết đã và đang triển khai chuyển đổi số tại cấp mình theo chỉ đạo của trên. Đơn cử, tại UBND phường Phú Trinh, cùng với việc xây dựng và ban hành các Quyết định, Kế hoạch trong thực hiện chuyển đổi số, đến nay Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường đã được trang bị đầy đủ các trang thiết bị công nghệ thông tin và được nâng cấp Bộ phận Một cửa đạt chuẩn theo Đề án Một cửa hiện đại được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, đã trang bị 01 máy tính, 01 máy scan, 01 máy in, 01 máy photocoppy, 01 máy bấm số, 01 máy tra cứu thông tin hồ sơ, 01 ipad, 03 màn hình tivi, 01 máy tích điện đang hoạt động có hiệu quả và được khai thác triệt để phục vụ cho công tác Chuyển đổi số tại phường. Cùng với đó phường đã được thành phố trang bị phòng họp trực tuyến được kết nối xuyên suốt từ cấp tỉnh, cấp thành phố và cấp phường. Đối với nguồn nhân lực số, UBND phường đã bố trí cán bộ phụ trách về công nghệ thông tin và chỉ đạo triển khai 10 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 10 khu phố. “Kết quả triển khai sử dụng các nền tảng số của địa phương về quản lý văn bản và hộp thử điện tử hiện có 22/22 cán bộ, công chức phường sử dụng khai thác có hiệu quả; 01 phần mềm tiếp nhận và trả kết quả; 01 phần mềm quản lý cán bộ, 1 phần mềm Hộ tịch điện tử, 1 phần kế toán đang hoạt động có hiệu quả. Việc đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi hay như đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/ hỗ trợ chi phí mai táng/ chế độ mai táng phí địa phương đang thực hiện theo các quy định, hướng dẫn hiện hành về thực hiện hồ sơ liên thông trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, đồng chí Chủ tịch và các đồng chí phó chủ tịch UBND phường đều được cấp và sử dụng chữ ký số và 100% hồ sơ công việc tại phường được xử lý trên hệ thống văn bản (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước) thông qua việc ứng dụng chữ ký số để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và tính xác thực” - Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp – Chủ tịch UBND phường Phú Trinh, cho biết. Chủ tịch UBND phường Phú Trinh cũng cho biết, để góp phần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân, Phú Trinh đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; cấp CCCD gắn chíp điện tử thông qua các buổi họp dân ở khu phố, tuyên truyền trên hệ thống loa 10 khu phố, trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook của các ban, ngành, hội đoàn thể phường….. “Đảng ủy, UBND phường đã quyết liệt chỉ đạo, nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa về tầm quan trọng của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn phường Phú Trinh và công tác Chuyển đổi số, xác định quyết tâm chính trị cao trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện; đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, các ban, ngành, đoàn thể từ phường đến khu phố tổ chức thực hiện các công việc của Đề án, trong đó xác định rõ trách nhiệm, thời gian, lộ trình từng bước cụ thể để tiến hành thực hiện, trên tinh thần khẩn trương cấp bách những việc nào cần làm trước được thì triển khai ngay để hoàn thành theo từng mốc thời gian cụ thể” - Chủ tịch UBND phường Phú Trinh, cho biết thêm.
Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, cho biết: Thực hiện theo các Quyết định, Kế hoạch về chuyển đổi số của Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian qua, UBND TP cũng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương, phòng ban chuyên môn của TP tích cực ứng dụng và xem chuyển đổi số là một trong những đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Thành phố cũng đã ưu tiên đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, phát triển các hệ thống thông tin, nền tảng số, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành để tạo nền tảng xây dựng chính quyền số góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, thành phố cũng quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh Cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng việc xây dựng và phát triển chính quyền số; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó, hoạt động của Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) bước đầu phát huy hiệu quả, giải quyết nhanh chóng các phản ánh, kiến nghị của người dân. Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2023 đến ngày 20/11/2023, thông qua PhanThiet-S đã tiếp nhận 643 phản ánh, kiến nghị; trong đó, đã giải quyết 532 phản ánh, tạo sự hài lòng trong các tầng lớp Nhân dân và hiện đang chỉ đạo giải quyết 111 phản ánh. Bên cạnh tiếp tục duy trì và phát triển Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố vào phục công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố, Phan Thiết đã xây dựng hệ thống thông tin theo dõi tiến độ công việc (phần mềm theo dõi công việc) để kiểm tra, đánh giá tiến độ hoàn thành, chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương; qua đó, giúp lãnh đạo thành phố kịp thời đưa ra các biện pháp, giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, góp phần cải tiến lề lối chất lượng làm việc của cán bộ, công chức. Hiện nay, TP Phan Thiết có 130 thủ tục hành chính (TTHC) được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Bình Thuận; có 84 TTHC toàn trình, 46 TTHC một phần – trong số này có 14/84 TTHC được tích hợp trên cổng Dịch vụ công quốc gia. Qua kết quả đánh giá sự hài lòng đối với việc giải quyết hồ sơ của thành phố trong năm 2023 tỷ lệ hài lòng đạt khá cao trên tổng số hồ sơ đánh giá của tổ chức, công dân. Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, cho biết thêm: “Thành phố Phan Thiết xác định chính quyền số là một trong 3 trụ cột ưu tiên cần tập trung xây dựng, hoàn thiện và phát triển. Theo đó, thành phố xác định các nhiệm vụ trọng tâm phải đạt được đó là: Đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, quản lý của lãnh đạo; bộ máy chính quyền phải nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thực sự linh hoạt, thích nghi, đổi mới, sáng tạo phụ vụ chính quyền số. Hai là tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ theo hướng tích hợp chia sẻ, dùng chung dữ liệu và tài khoản, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ; phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông để phủ sóng thông tin di động nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp kết nối internet sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo; thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào thành phố. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Ba là chuyển đổi nhận thức của người dân tham gia thực hiện chính quyền số: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Để đạt hiệu quả và thiết thực, bên cạnh sự quyết liệt, đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin … tuy nhiên nhân tố quyết định đó là nhận thức và nhu cầu của người dân. Hiện, rất nhiều thủ tục đã được cung cấp ở mức độ toàn trình, với quy trình nội bộ, quy trình điện tử được đơn giản và chuẩn hóa nhưng số lượng hồ sơ phát sinh nộp trực tuyến vẫn chưa nhiều. Nguyên dân là do nhận thức và nhu cầu của người dân còn hạn chế. Để góp phần trong chuyển đổi số của địa phương thành công, người dân cần tăng cường tham gia đóng góp ý tưởng, ý kiến và thực hiện thủ tục hành chính thông qua hệ thống dịch vụ công một cách hiệu quả. Góp phần hạn chế thời gian đi lại, cũng như theo dõi kết quả trực tiếp trên hệ thống giải quyết thủ tục hồ sơ”.