Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, sau các cao trào cách mạng yêu nước, Phan Thiết đã có những đảng viên cộng sản đầu tiên như: Dương Chước, Hồ Quang Cảnh từ các nơi về hoạt động, từ đây các đồng chí đã tuyên truyền, giáo dục và kết nạp một nhóm cộng sản và nhóm cơ sở cách mạng đầu tiên như: Nguyễn Tỵ, Phan Xích, Hồ Thị Quế,... Sự ra đời của các nhóm cộng sản và cơ sở cách mạng đầu tiên tại Phan Thiết là kết quả đấu tranh của nhân dân Phan Thiết, là một yếu tố khách quan để lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương lúc bấy giờ. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương (9/3/1945), 05 đảng viên cộng sản từ nhà tù Buôn Ma Thuộc trở về Bình Thuận, lập Ban Việt Minh lâm thời tỉnh Bình Thuận do đồng chí Nguyễn Sắc Kim phụ trách chung, tổ chức chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền mà trọng tâm là thị xã Phan Thiết lúc bấy giờ. Cách mạng Tháng tám thành công, chế độ dân chủ nhân dân đầu tiên được thiết lập, UBND cách mạng lâm thời tỉnh được thành lập, trực tiếp chỉ đạo thị xã Phan Thiết thông qua Mặt trận Việt Minh thị xã và UBND cách mạng lâm thời các phường. Đến tháng 3/1946, Tỉnh chính thức thành lập Ban liên lạc thị xã Phan Thiết (một hình thức như cơ quan hành chính thị xã).
Nhận rõ Phan Thiết là trung tâm đầu não của địch ở Bình Thuận và là nơi cung cấp nhân tài vật lực cho cách mạng toàn tỉnh, nên tháng 5 năm 1947 tại số nhà 04 đường Cống Quỳnh, phường Đức Nghĩa, Tỉnh uỷ đã quyết định thành lập Đảng bộ thị xã Phan Thiết và điều động đồng chí Hứa Tự Nhung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về làm Bí thư; đồng chí Thu Lâm (tức Trần Ngọc Trác), làm Phó Bí thư; đồng chí Tống Viết Khánh (trong ban chỉ huy Phòng Điệp thị xã), làm Thị ủy viên cho đến năm 1948. Từ năm 1948 trở đi, bộ máy lãnh đạo các cơ quan Dân, Quân, Chính, Đảng của thị xã Phan Thiết chuyển về đóng tại khu căn cứ Cò Ke - Ba Hòn là một trong những điểm bám trụ của quân dân thị xã trong những năm dài kháng chiến chống Mỹ. Sau khi Thị ủy được thành lập, nhiều chi bộ đảng ở các phường được thành lập, một số phường thành lập chi bộ ghép như Đức Long và Lạc Đạo, Bình Hưng và Hưng Long. Đảng viên các cơ quan chính quyền, đoàn thể và ban chỉ huy Phòng Điệp nằm trong chi bộ ghép; ở Mũi Né, Phú Hài lúc bấy giờ còn thuộc Hàm Thuận cũng thành lập mỗi nơi 1 chi bộ, mỗi chi bộ 5 đảng viên (Chi bộ Mũi Né thành lập 5/1948, chi bộ Phú Hài thành lập 13/8/1948). Đây là lực lượng tiên phong lãnh đạo phong trào cách mạng chống thực dân Pháp xâm lược, lãnh đạo nhân dân toàn Thị xã vượt qua gian khổ hy sinh, bền bỉ tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, để kiềm chân, tiêu diệt sinh lực địch, giành nhiều thắng lợi to lớn, mà nổi bật là trận cải trang tập kích Lầu Ông Hoàng ngày 14-6-1947; trận cải trang tập kích vào Thị xã 14-6-1948 và nhiều trận đánh tiêu biểu khác.Từ năm 1950 đến năm 1953, lực lượng cách mạng của thị xã phát triển khá nhanh, có hàng trăm cán bộ, đảng viên được kiện toàn chặt chẽ trong các tổ chức Đảng, cùng với lực lượng vũ trang thị xã trưởng thành nhanh về số lượng và trình độ tổ chức, chỉ huy. Lực lượng vũ trang thị xã cùng với tỉnh và các đội công tác ở các phường, xã liên tục tiến công tiêu diệt địch, cao điểm là trận cải trang tập kích bí mật Căng Êsepic ngày 28-12-1951; trận cải trang tập kích khách sạn Liên Thành ngày 6-4-1953, trận tập kích bí mật đồn Pascan ngày 08-8-1953 và các trận diệt ác của cảm tử đội thị xã Phan Thiết góp phần đánh bại thực dân Pháp, lập lại hoà bình ở Đông Dương.
Sau 1954, toàn miền Nam cũng như thị xã Phan Thiết nằm dưới sự kiểm soát của chế độ Mỹ – Diệm. Thị uỷ Phan Thiết lúc bấy giờ có 05 đồng chí, đồng chí Nguyễn Tế Nhị làm Bí thư và 04 đồng chí Thị uỷ viên. Với chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” và Luật 10/59, cộng với sự phản bội, đầu hàng giặc của một vài phần tử thoái hoá, bọn Mỹ – Diệm thực hiện nhiều thủ đoạn đàn áp, khủng bố man rợ, chúng giết hại bất cứ ai bị tình nghi là “Việt cộng”. Trong tình cảnh đó, hoạt động của Đảng bộ Phan Thiết lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, hầu hết cơ sở cách mạng, tổ chức Đảng đi vào hoạt động bí mật, hoặc bị địch phát hiện phá vỡ, nhiều cán bộ chủ chốt bị bắt, bị giết hại. Đầu năm 1959 sau khi tiếp thu tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương, Thị ủy đề ra chủ trương khôi phục và xây dựng lại cơ sở cách mạng để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài chống đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng căn cứ cách mạng, căn cứ Gò Bồi - Ba Hòn được chọn để thành lập đội vũ trang đầu tiên của Thị xã thời kỳ chống Mỹ với 6 đội viên, chiến khu Gò Bồi đã trở thành nơi huấn luyện cán bộ, chiến sĩ vừa là nơi sản xuất của cách mạng thị xã. Đảng bộ thị xã Phan Thiết lúc này có tên gọi là Đảng bộ Thuận Thủy. Cơ quan Thị ủy lúc chuyển ra đóng ở Láng Duối, sau đó dời ra bưng Cò Ke – Ba Hòn (Hàm Thuận Nam ngày nay). Thị uỷ lúc này gồm 3 đồng chí và 1 bộ phận Văn Phòng, đồng chí Nguyễn Quý Đôn - làm Bí thư, Khi Mỹ đổ quân vào miền Nam (3/1965) để tiến hành chiến lược “ chiến tranh cục bộ”, thị xã Phan Thiết trở thành tuyến đầu đánh Mỹ của tỉnh. Trước yêu cầu đó, Thị ủy đề ra chủ trương ra sức phát triển lực lượng về mọi mặt, nhất là du kích, biệt động mật và cơ sở phong trào đô thị. Tích cực giành quyền làm chủ ở vùng ven, xây dựng căn cứ lõm, làm chủ ở nội thị và giành nhiều thắng lợi bằng nhiều cuộc tấn công gây tiếng vang lớn, điển hình là trận phục kích diệt đại đội biệt kích của Mỹ tại ấp chiến lược Đất đỏ của C.480 thị xã Phan Thiết vào ngày 10-6-1965. Tiếp đến là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – năm 1968 góp phần cùng toàn miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ – Ngụy.
Tháng 8/1969, Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Phan Thiết được diễn ra tại Râm Tre, duới chân núi Đền thuộc xã Hàm Thạnh, Huyện Hàm Thuận để kiểm điểm các mặt lãnh đạo của Thị ủy từ Tổng tấn công Tết Mậu Thân, đề ra Nghị quyết lãnh đạo đấu tranh, đánh bại âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch tại Phan Thiết, xác định trước mắt là làm thất bại âm mưu bình định mới của địch, khẩn trương phát triển thực lực cách mạng trong nội ô, chuẩn bị điều kiện đón thời cơ mới. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 13 đồng chí, đồng chí Hoàng Minh được bầu làm Bí thư Thị ủy.
Phát huy những thắng lợi vừa giành được, tiếp tục đánh phá các cuộc “bình định” lấn chiếm của địch, tiến lên cùng toàn miền Nam thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và quân ủy Trung ương đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, trong các năm 1972 đến 1974 Thị ủy đã động viên các lực lượng vũ trang, các đội công tác với tinh thần “Khí thế như Mậu Thân, ra quân như Đồng Khởi”, khí thế cách mạng trên địa bàn thị xã diễn ra sôi nổi, tiêu biểu có các trận tập kích vào ấp Đại Hoà 24/7/1974; trận tập kích phân chi khu Đại Nẫm 15/9/1974..... Và 20 giờ ngày 18/4/1975, quân ta cùng với các lực lượng chủ lực của trên tấn công vào giải phóng Phan Thiết, và ngày 19/4/1975, Ủy ban quân quản vào tiếp quản, Phan Thiết hoàn toàn được giải phóng.
Khi vào tiếp quản Phan Thiết ngày 19/4/1975, toàn Đảng bộ Thị xã chỉ có 70 đảng viên, hầu hết đều trưởng thành qua các phong trào đấu tranh cách mạng trong nội thị, đã tham gia hai cuộc kháng chiến, là nòng cốt để hình thành nên 13 chi bộ, bao gồm 4 chi bộ cơ quan và 9 chi bộ phường. Trong 10 năm đầu sau giải phóng (1975-1985), Đảng bộ vừa lãnh đạo, vận động nhân dân nội thị trở về làng cũ, bắt tay vào khai hoang, phục hóa, tháo gỡ bom mìn, khôi phục lại sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, đặc biệt là triển khai chương trình làm thuỷ lợi, tiến hành hợp tác hóa, hàng loạt hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng ra đời, đi vào hoạt động và có bước phát triển, đời sống nhân dân dần dần được cải thiện. Đó là thành quả của sự đoàn kết, thống nhất trong đảng, sự đồng thuận của nhân dân nhờ đó mà kinh tế từng bước phát triển, đời sống của nhân dân từng bước được ổn định và cải thiện; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng dần qua các năm, thu nhập bình quân đầu người vào năm 2015 đã lên đến 4.738USD/người/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, giáo dục – đào tạo, y tế được quan tâm đầu tư; chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được giữ vững.
Đến nay, toàn Đảng bộ Phan Thiết đã có trên 5.000 đảng viên, đang sinh hoạt tại 52 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc; hầu hết các tổ chức đảng đều phát huy được vai trò lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; hằng năm, toàn đảng bộ phát triển trên 150 đảng viên mới, đây là những đảng viên trẻ, có năng lực để bổ sung vào đội ngũ đảng viên của Đảng bộ nhằm xây dựng Đảng bộ Phan Thiết ngày càng trong sạch, vững mạnh./.