Từ khi có Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Chương trình hành động của Tỉnh uỷ (khóa XI); việc chỉ đạo học tập, triển khai thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp đã thể hiện trách nhiệm và quyết tâm cao hơn, đặc biệt là chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã đạt được những kết quả bước đầu. Cụ thể là:
Về tổ chức quán triệt, phổ biến, học tập và ban hành văn bản cụ thể hóa thực hiện được Ban Thường vụ Thành uỷ quan tâm đúng mức; toàn đảng bộ đã tổ chức được 20 lớp quán triệt cho 2.438/2.621 đồng chí là cán bộ chủ chốt, hưu trí, cán bộ đảng viên, đạt 93,01% và 395 quần chúng cốt cán, cán bộ ngoài đảng. Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Thành uỷ cũng đã phối hợp tổ chức 16 lớp cho 2.365/2.471 giáo viên và cán bộ lãnh đạo quản lý giáo dục, chiếm 95,71%.
Sau việc tổ chức quán triệt, Ban Thường vụ Thành uỷ xây dựng Chương trình hành động số 09 - NQ/TU, ngày 16/10/2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống, tham nhũng, lãng phí gắn với tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 24/5/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lãnh đạo triển khai Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trên cơ sở Chương trình hành động số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ, UBND thành phố ban hành Quyết định số 12/2009/QĐ-UBND, ngày 10/11/2009 về việc ban hành Kế hoạch của UBND thành phố thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 (giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2011) gắn với thực hiện các Chương trình hành động về thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 01/10/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 08/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Định kỳ, Thường trực Thành uỷ làm việc với UBND thành phố, Ban Chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Thành uỷ và các cơ quan bảo vệ pháp luật để nghe và cho ý kiến chỉ đạo giải quyết các vụ việc nổi cộm, tồn đọng, trong đó có liên quan đến các vụ việc tham nhũng, tiêu cực mà nội bộ và dư luận quần chúng quan tâm để yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xử lý. Công tác kiểm tra, phúc tra, giám sát được chú ý tăng cường; đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những tổ chức và cá nhân sai phạm liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 và các văn bản của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan Nhà nước từ thành phố đến cơ sở thể hiện ngày càng rõ và phát huy ngày càng tốt hơn trách nhiệm của mình trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; trong đó coi trọng và đề cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt trong việc nêu gương và phát hiện, xử lý các trường hợp tham nhũng. Sau khi học tập các chuyên đề của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, có 98% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức viết thu hoạch, thể hiện nhận thức của mình qua học tập, tự liên hệ kiểm điểm cá nhân; tiến hành đăng ký thực hiện các nội dung “xây” và “chống”, cam kết thực hiện tốt “5 không” và “4 chủ động” mà Chương trình hành động của Tỉnh uỷ đã đề ra. Sau khi triển khai thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, có 79/79 đơn vị đã gởi đăng ký “nêu gương” và “gương mẫu thực hiện” với 292 tập thể đăng ký “nêu gương” và 105 người/79 đơn vị đăng ký “nêu gương”. Hàng năm, 100% đảng viên đang công tác được giới thiệu về sinh hoạt nơi cư trú, thông qua đó cấp uỷ và thủ trưởng đơn vị nắm được mối quan hệ xã hội của từng cán bộ, đảng viên, kịp thời nhắc nhở, giáo dục đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện vi phạm.
Từ năm 2009 đến nay, tổng số cán bộ, công chức phải chuyển đổi là 478 người; riêng 6 tháng đầu năm 2016 là 14/42 người. Đồng thời, chỉ đạo phòng Nội vụ, Thanh tra thành phố tiến hành kiểm tra việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác ở các đơn vị, địa phương.
Trong 10 năm qua có 07 đơn vị, địa phương xảy ra tham nhũng, tiêu cực đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu, với 09 trường hợp bị xử lý kỷ luật, trong đó có 02 trường hợp bị xử lý khiển trách, 04 trường hợp bị xử lý cảnh cáo, 01 trường hợp bị xử lý cách chức, chuyển cơ quan điều tra 02 đối tượng
Hằng năm, UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các phường, xã tổ chức triển khai cho cán bộ, công chức, viên chức kê khai tài sản, thu nhập; đồng thời, báo cáo kết quả kê khai theo quy định. Qua kê khai đã có 4.021/4.021 cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập đã thực hiện kê khai và báo cáo kết quả kê khai tài sản, thu nhập theo quy định, đạt tỷ lệ 100%.
Công tác cải cách hành chính, nhất là giải quyết hồ sơ hành chính theo cơ chế “một cửa” và “ một cửa liên thông” tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố được Ban Thường vụ Thành uỷ, UBND thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nhờ vậy, việc giải quyết hồ sơ hành chính cho tổ chức, công dân có nhiều tiến bộ, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế trong giải quyết hồ sơ hành chính; kịp thời xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức sai phạm, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố đã tiếp nhận 13.421 hồ sơ các loại; đã giải quyết 12.116 hồ sơ (tỷ lệ 90,3%), trong đó trả lại cho công dân 420 hồ sơ không đủ điều kiện gải quyết (chiếm 3,13%), giải quyết đúng hẹn 10.589 hồ sơ (tỷ lệ 78,89%), trả trước hẹn 1.057 hồ sơ (tỷ lệ 7,87%), trễ hện 65 hồ sơ (tỷ lệ 0,5%); chưa đến hẹn 1.290 hồ sơ. Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường, xã đã tiếp nhận 48.950 hồ sơ các loại; đã giải quyết 48.806 hồ sơ (tỷ lệ 99,7%), trong đó giải quyết đúng hẹn 48.604 hồ sơ, trả trước hẹn 198 hồ sơ, trễ hện 13 hồ sơ; chưa đến hẹn 131 hồ sơ.
Công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản trong 10 năm qua được Ban Thường vụ Thành uỷ quan tâm chỉ đạo và đã đạt được một số kết quả đáng kể, bước đầu đã khắc phục dần tình trạng buông lõng quản lý, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai. Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực giao đất, cho thuê đất đối với các dự án và việc sử dụng đất của các dự án trên địa bàn thành phố cơ bản đạt hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phố. Đô thị Phan Thiết ngày càng được chỉnh trang và nâng cấp, các khu dân cư mới được hình thành, điều kiện đất ở, nhà ở đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhân dân, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ yêu cầu sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.
Trong 10 năm qua, Ban Thường vụ Thành uỷ, UBND thành phố, các cơ quan chức năng và cấp ủy đảng cơ sở đã tổ chức kiểm tra, thanh tra 73 cuộc về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và kết thúc 73 cuộc. Qua đó, đã tiến hành xử lý thu hồi số tiền, tài sản thất thoát trị giá 145.140.445 đồng. Số đối tượng có hành vi tham nhũng, lãng phí đã phát hiện qua thanh tra, kiểm tra: 19 trường hợp; chuyển sang cơ quan điều tra xem xét xử lý theo quy định: 07 trường hợp; đã truy tố, xét xử: 06 vụ - 08 đối tượng. Tổng giá trị tài sản bị tham nhũng, lãng phí được phát hiện là: 458.444.188 đồng; giá trị tài sản bị tham nhũng, lãng phí được thu hồi: 442.994.188 đồng. Diện tích đất bị thất thoát, lãng phí được phát hiện là: 537.193m2, thu hồi 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Ngoài ra, theo phân cấp về thẩm quyền xét xử, Toà án nhân dân thành phố đã đưa ra xét xử 05 vụ án tham nhũng do cơ quan tố tụng của tỉnh chuyển đến.
Để phát huy kết quả thực hiện được trong 10 năm qua như trên và khắc phục những hạn chế tồn tại, Ban Thường vụ Thành uỷ Phan Thiết đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp lớn để thực hiện trong thời gian đến như sau:
Một là. Tiếp tục chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Chỉ thị số 40-CT/TU, ngày 15/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gắn với thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 01/10/2012 về nâng cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
Hai là. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ba là. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là công tác công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, nhất là trên lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý trật tự đô thị... Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương công khai, minh bạch trong thực hiện các cơ chế. chính sách của các cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt việc chuyển đổi vị trí công tác đối với các đối tượng quy định. Triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định về thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính cho tổ chức, cá nhân; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra chế độ công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức...
Bốn là. Lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản; tập trung triển khai việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập hằng năm bảo đảm đúng thời gian, quy trình, quy định.
Năm là. Xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình, kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: quản lý ngân sách, quản lý các quỹ, quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ, công tác thi hành án, công tác kiểm tra xử lý sai phạm của các ngành chức năng... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của văn phòng một cửa, thu phí, lệ phí... ở phường, xã để ngăn ngừa, phòng chống hành vi tham nhũng.
Sáu là. Tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, các đồng chí là Bí thư Đảng bộ, chi bộ và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Bảy là. Chỉ đạo xử lý kịp thời, kiên quyết các vụ tham nhũng với tinh thần phát hiện đến đâu xử lý, thu hồi tài sản thiệt hại, bị thất thoát đến đó, vụ nào đã rõ phải được xử lý ngay; đồng thời, chỉ đạo kiên quyết và xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong các tổ chức cơ quan, đơn vị theo quy định của Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng ngay tại địa phương, đơn vị. Kiên quyết và kịp thời xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức để xảy ra tham nhũng.
Tám là. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Mặt trận, các đoàn thể, hội đồng nhân dân các cấp, nhất là đối với các phường, xã; thông qua đó, tiếp tục phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực./.