Bà Nguyễn Thị Quyến
Những ngày này, khi Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 không còn xa, trong con hẻm nhỏ đi từ đường Nguyễn Gia Thiều ở khu phố 3, phường Xuân An, hương thơm của mùi nổ rang bay ngào ngạt khiến người qua đường không khỏi nôn nao. Bếp rang nổ này đỏ lửa cả năm để tạo thu nhập cho gia đình và 02 lao động địa phương, nhưng từ cuối tháng 10 âm lịch thì không khí rộn ràng, tất bật hơn, số lượng nhân công và lượng hàng tăng gấp nhiều để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện có 08 người là phụ nữ ở cùng phường và ở phường bạn tranh thủ thời gian rảnh rỗi cuối năm khi mùa vụ hải sản kết thúc đã đến làm việc cùng bà Loan từ 6h đến 16h, với thu nhập mỗi ngày 300.000 đồng. Thường thì cơ sở làm đến rằm tháng chạp mới nghỉ.
Với 08 nhân công, được chia nhiều công việc khác nhau theo từng công đoạn của quá trình làm ra thành phẩm. Hiện có 03 lò rang hoạt động, đây có vẻ là công đoạn cực nhọc khi người trực tiếp làm phải chịu sức nóng từ lò lửa, bụi bay khi nếp bung hạt. Nên các chị, các cô đều trang bị khẩu trang, áo khoác kín đáo mới có thể đứng trụ nhiều tiếng đồng hồ ở khu vực này. Mỗi chảo rang được 0,5 ký nếp/lần, khoảng 02 phút. Để nổ không bị cháy, thì những đôi tay luôn thoăn thoát điệu nghệ để canh đúng thời gian vớt nổ ra sàn cát.
Sau khi để nguội là đến công đoạn xảo nổ nghĩa là sàng lọc, lược bỏ trấu và những hạt nổ lép, cháy. Trấu còn dính hạt nổ lép được tận dụng để bán lại cho người chăn nuôi gia cầm với giá 3.000 đồng/kg. Chị Trần Thị Bảo Trâm thường ngày làm công nhân tại 01 vựa cá, nhưng từ tháng 10 âm lịch các ghe thu mua hải sản nghỉ, chị không có việc làm ổn định thì xảo nổ với thu nhập 300.000 đồng/ngày là công việc khá tốt để có tiền trang trải cho gia đình.
Nếu ở các công đoạn trước được sự hỗ trợ của máy móc thì công đoạn cuối cùng nhặt lại nổ cho sạch phải thực hiện thủ công để phát hiện được những hạt trấu còn sót lại và cả những hạt nổ bị đen cũng phải loại bỏ. Bà Nguyễn Thị Quyến hơn 60 tuổi nhưng với đôi mắt tinh anh là người thực hiện công đoạn này. Đây cũng là nhân công gắn bó khá lâu với cơ sở đã 15 năm nay.
Mỗi ngày cơ sở của bà Đỗ Thị Loan rang 500 kg nếp và cho ra hơn 200 kg sản phẩm nổ, với giá 60.000 đồng/kg nổ 03 tháng đặc biệt, còn nổ thường thì 30.000 đồng/kg. Sản lượng làm ra, hầu như đều được mối thu mua, đặt hàng, số ít người dân đến mua lẻ. Trung bình mỗi mùa Tết, bà mua khoảng 10 tấn lúa nếp để làm nổ. Nổ được thu mua để làm ra cốm, thứ không thể thiếu bên cạnh mâm ngũ quả để dâng lên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình người dân xứ biển Phan Thiết nói riêng.
Bà Đỗ Thị Loan, chủ cơ sở rang nổ cho biết, gia đình bà có truyền thống làm nghề này, mà các anh chị trong gia đình chọn nghề khác, nên từ ngày cha mất, bà quyết tâm nối nghiệp. Cũng nhờ nghề này mà bà đã nuôi 04 người con ăn học đến nơi đến chốn. Bây giờ con cái đã lớn có thể phụng dưỡng và khuyên mẹ nghĩ ngơi, nhưng bà Loan vẫn chưa muốn bỏ nghề. Vì có lao động mới thấy khoẻ, mà bỏ nghề thì tiếc, thì nhớ. Không làm được nhiều thì làm lai rai để duy trì lò đỏ lửa cả năm, còn tạo công ăn việc làm cho người khác.
Rang nổ trải qua nhiều công đoạn, tốn thời gian nên các con của bà Loan không ai muốn theo nghề. Hiện tại, người con gái út của bà khéo tay, nên đầu tháng 11 âm lịch hàng năm, chị nhận làm cốm hộc để bán cho những người thân quen đặt hàng, với giá 300.000 đồng/ xâu 10 hộc.
Qua bao công đoạn cực nhọc, nhưng nghĩ đến thành phẩm từ chính tay mình tạo ra là những hộc cốm được nhiều gia đình đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên, bà Loan không khỏi tự hào và vui mừng vì góp phần làm nên hương tết Việt.