Phan Thiết trở thành địa phương Du lịch bắt đầu sau ngày Nhật thực toàn phần năm 1995; đến nay Du lịch Mũi Né - Phan Thiết trở thành thương hiệu du lịch không những trong tỉnh, trong nước mà đã vươn xa trên thế giới. Để đưa ngành du lịch mới mẻ của tỉnh nhà phát triển bền vững, ngày 25/03/2004 Tỉnh uỷ Bình Thuận (Khoá X) đã ban hành Nghị quyết số 19 - NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2010. Trên cơ sở Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã xây dựng Chương trình hành động số 26-NQ/TU ngày 30/9/2004 về “phát triển du lịch từ nay đến năm 2010” và chỉ đạo UBND thành phố xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch từ nay đến năm 2010; đồng thời, tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai đến Cấp uỷ các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể thành phố.
Qua 06 năm thực hiện nhìn chung, việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 25/3/2004 của Tỉnh uỷ và Chương trình hành động số 26-NQ/TU ngày 30/9/2004 của Thành uỷ (khoá VIII) về phát triển du lịch đến năm 2010 được các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể thành phố, cấp uỷ các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc thực hiện khá nghiêm túc; qua đó, đã xác định rõ hơn phát triển du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương; trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể thành phố trong việc phối hợp triển khai thực hiện Chương trình hành động của Thành uỷ ngày càng được chặt chẽ, có hiệu quả hơn. Những kết quả đạt được cụ thể trên từng lĩnh vực là:
Công tác quy hoạch về du lịch được Ban Thường vụ Thành uỷ quan tâm chỉ đạo UBND thành phố phối hợp với các sở ngành chức năng của tỉnh tiến hành quy hoạch, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch về du lịch cho phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương, phù hợp quy hoạch các ngành kinh tế khác của thành phố, nhằm đảm bảo phát triển du lịch bền vững. Đến nay, đã hoàn thành quy hoạch khu du lịch Đồi Dương - Thương Chánh; quy hoạch chi tiết phát triển cụm du lịch Phan Thiết - Mũi Né, quy hoạch sử dụng đất du lịch phường Mũi Né; quy hoạch phát triển tổng thể du lịch xã Tiến Thành; quy hoạch về du lịch phân khu Hàm Tiến, Phú Hài; quy hoạch xây dựng khu đô thị Long Sơn - Suối Nước; quy hoạch xây dựng khu trung tâm phường Mũi Né. Chỉ đạo hoàn thành đề án cải tạo phát triển và quản lý cây xanh đường phố.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tranh thủ nhiều nguồn vốn đã đầu tư xây dựng các công trình phục vụ du lịch. Phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh hoàn thành việc phủ sóng, nâng cao chất lượng dịch vụ di động 2G, 3G tại các khu du lịch. Lắp đặt, nâng cấp dung lượng DSLAM cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng (ADSL); mở rộng, nâng cấp mạng truyền dẫn, cung cấp dịch vụ Internet cáp quang, dịch vụ truyền hình cáp phục vụ nhu cầu kinh doanh, du lịch của thành phố. Đầu tư, khôi phục, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa được chú trọng. Tập trung chỉ đạo từng bước triển khai thực hiện Đề án City tour đã được UBND tỉnh phê duyệt; lập dự án khai thác điểm tham quan nhà cổ Xuân An. Đánh giá các tour du lịch để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút nhiều hơn khách tham quan.
Về thu hút đầu tư phát triển du lịch, thành phố đã cùng với các ngành chức năng của tỉnh triển khai nhiều biện pháp để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn thành phố. Đến nay, tổng số dự án đầu tư du lịch trên địa bàn thành phố còn hiệu lực là 239 dự án, tổng diện tích đất là 36.575,026 ha, vốn đăng ký là 41.256,352 tỷ đồng; trong đó, có 110 dự án đi vào hoạt động kinh doanh và vừa kinh doanh vừa xây dựng,...
Các loại hình dịch vụ du lịch và các ngành nghề truyền thống, các loại hình thương mại dịch vụ được quan tâm hỗ trợ, khuyến khích phát triển. Quy mô, chất lượng phục vụ ngày càng nâng lên, chuyên nghiệp hơn, với nhiều mô hình kinh doanh đa dạng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 166 cơ sở lưu trú với khoảng 6.712 phòng. Trong đó, có 14 cơ sở đạt 4 sao (1.390 phòng), 11 cơ sở đạt 3 sao (799 phòng), 28 cơ sở 2 sao (1.272 phòng), 28 cơ sở 1 sao (675 phòng), 41 cơ sở đạt tiêu chuẩn tối thiểu (761 phòng) và 44 cơ sở chưa xếp hạng (1.815 phòng); có khoảng 300 nhà nghỉ, nhà trọ; các dịch vụ vận tải, tổ chức ngân hàng, thông tin liên lạc tiếp tục phát triển, các mặt hành thủ công mỹ nghệ được khôi phục, góp phần phục vụ nhu cầu cho khách đến tham quan du lịch, nghỉ dưỡng.
Nhờ đó, lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Phan Thiết ngày càng tăng, tính đến cuối năm 2011, ước đạt 2.300.000 lượt khách, so với năm 2005 tăng 1.100.000 lượt khách; trong đó khách nước ngoài tăng 41.587 lượt (năm 2005: 90.000 lượt). Lượng khách lưu trú và thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế là 3,4 - 3,5 ngày/khách và khách nội địa là 1,52 ngày/khách. Đạt doanh thu ước khoảng 1.705 tỷ đồng (tính đến năm 2011).
Công tác tuyên truyền quảng bá về thương hiệu du lịch trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực; thông qua các kênh báo chí, phát thanh truyền hình; các lễ hội truyền thống của địa phương như: Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội rước đèn Trung thu; các giải thể thao đua thuyền trên sông Cà Ty, chạy vượt đồi cát Mũi Né,... được tổ chức vào dịp lễ, tết đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan. Ngoài ra, thông qua các sự kiện văn hoá, thể thao do tỉnh đăng cai tổ chức trên địa bàn thành phố Phan Thiết, đã góp phần tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu hình ảnh quê hương, con người, tiềm năng và lợi thế của Phan Thiết đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch được chú ý; UBND thành phố đã phối hợp chỉ đạo khảo sát đánh giá thực trạng lao động, nhu cầu sử dụng lao động ở các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố; trên cơ sở đó, phối hợp với các trường đào tạo, dạy nghề tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học... để nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh du lịch.
Công tác quản lý nhà nước về du lịch được chú ý tăng cường; đã phố hợp cùng với các ngành chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra đất đai và xây dựng tại các khu vực quy hoạch du lịch, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; phối hợp tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Công tác phối hợp rà soát, kiểm tra việc triển khai các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn được tiến hành thường xuyên; thông qua đó, để phản ánh, kiến nghị với tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc; đồng thời đề xuất biện pháp tháo gỡ phù hợp, tạo điều kiện cho các dự án du lịch sớm triển khai và đi vào hoạt động.
Tập trung chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút nhiều dự án đầu tư du lịch trên địa bàn, góp phần phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch của thành phố, phục vụ nhiều đối tượng, du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Tình hình an ninh trật tự, cứu hộ, cứu nạn được tập trung chỉ đạo và có nhiều bước chuyển biến tiến bộ; các cơ sở du lịch có các phương án đảm bảo an ninh trật tự cụ thể và cùng các ngành chức năng xử lý tốt các vấn đề gây rối, làm mất an ninh trật tự - an toàn giao thông.
Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy, nổ, ổn định giá cả được quan tâm chỉ đạo; thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh du lịch vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tình hình vệ sinh môi trường và xử lý nước thải tại các khu du lịch được tập trung chỉ đạo, xử lý kịp thời; thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng của thành phố phối hợp kiểm tra vận hành hệ thống xử lý nước thải các cơ sở du lịch, kiểm tra chất lượng nước thải của các cơ sở trước khi xả thải ra môi trường.
Về xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy các Ban quản lý khu du lịch được thành phố quan tâm đúng mức, thường xuyên tiến hành đánh giá thực trạng về tổ chức, hoạt động của Ban Quản lý các khu du lịch, Trung tâm hướng dẫn - tham quan du lịch thành phố để đề ra giải pháp củng cố tổ chức, định hướng hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm làm tốt chức năng quản lý, hướng dẫn tham quan du lịch và hỗ trợ cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc tuyên truyền các doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật về du lịch và tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương.
Từ đó, Thương hiệu Mũi Né - Phan Thiết tiếp tục được khẳng định đối với thị trường du lịch trong và ngoài nước. Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch khá cao và ổn định; các chỉ tiêu phát triển về du lịch trong thời gian qua đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra; lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng du lịch tăng hàng năm, thời gian lưu trú của khách dài hơn, tỷ lệ du khách quay lại cao hơn. Vai trò, vị trí của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của thành phố tiếp tục được khẳng định, thể hiện rõ là ngành kinh tế động lực và quan trọng của thành phố, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng phát triển.
Qua kết quả đạt được, thành phố định hướng trong tương lai là: Tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch với tốc độ nhanh, bền vững, thật sự trở thành ngành kinh tế trọng điểm của thành phố; đồng thời làm động lực thúc đẩy cho các ngành kinh tế khác cùng phát triển theo cơ cấu “Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp”. Phát triển du lịch gắn với đảm bảo phát triển hài hòa với phát triển các ngành nghề, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao trình độ dân trí, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, mức sống cho người lao động.
Lê Hưng - Ban Tuyên giáo Thành uỷ Phan Thiết