Theo truyền thuyết, cả đoàn thuyền chở vua Nguyễn Ánh bị thua trận chạy vào Sài Gòn - Gia Định rồi sang nước Xiêm lênh đênh trên biển gặp sóng to, gió lớn. Nhà vua van vái “... nếu có ai cứu được quan quân, khi về triều sẽ sắc phong”, lập tức có hai con cá voi đến đỡ mũi thuyền, đưa thuyền của nhà vua vuợt sóng an toàn. Sau khi về triều, vua đã phong cho cá voi là “Nam Hải cự tộc Ngọc Lân Tôn thần”. Người dân từ đó quen gọi cá voi là “Nam Hải đại tướng quân”.
Bàn thờ Nam Hải cự tộc Ngọc Lân Tôn thần
|
Dinh Vạn Thuỷ Tú - Phan Thiết được xây cất vào năm Nhăm Ngọ 1762; cách đây được 252 năm; xưa nằm sát biển, mặt quay về hướng Đông. Kiến trúc Đình nhỏ và bình thường như những Đình làng khác ở miền Trung, nhưng bên trong có nhiều điểm khác biệt. Hương án chính giữa đình Vạn Thuỷ Tú thờ Nam Hải cự tộc Ngọc Lân Tôn thần; bên trái thờ Thuỷ long thánh phi Nương nương Tôn thần và bên phải thờ Thái hiệu tiên sư Tôn thần. Cạnh chính điện còn có miếu thờ đức Quan Thánh, phía sau là những phòng lưu trữ, bảo tồn chừng khoảng 600 bộ hài cốt của các “Ông”, “Bà” và “Cậu” là những hải thần phò trợ, cứu mạng ngư dân đi biển theo quan niệm của ngư dân. Nay Dinh toạ lạc trên đường Ngư Ông, thuộc phường Đức Thắng - thành phố Phan Thiết.
Bộ cốt Ông
|
Dinh Vạn Thuỷ Tú ở Phan Thiết nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, luôn là điểm đến hấp dẫn trong những tour du lịch của du khách, bởi sự độc đáo riêng của nó. Đó là hàng chục bộ Sắc phong của các đời vua nhà Nguyễn đã ban tặng, nghi nhận công lao với 24 điệu sắc thần; trong đó, riêng đời vua Thiệu Trị đã có đến 10 Sắc phong, còn lại là của các đời Vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định và đến nay hơn 150 năm vẫn được bảo quản nguyên vẹn. Có chiếc chuông đúc đồng vào năm Nhâm Thân (1872), đến nay đã được 142 năm. Thân chuông có dòng chữ “Tự Đức nhị thập ngũ niên - Xuân quý giáo đáng - Thuỷ tú vạn - Bổn vạn đông ký”.
Theo lời kể của các lão ngư vùng này, thì ngư dân địa phương gọi cá Ông lớn là Ông Nam Hải (khi còn nhỏ gọi là Cậu), gọi các loại Rùa biển là Bà Sống Khến, những vị hải thần này thường tấp vào bờ để “luỵ”; tức là chết, cũng có khi chiu vào lưới của các ngư phủ khi sắp “luỵ”. Hàng năm, ngư dân Vạn Thuỷ Tú cũng vớt được “Ông” hoặc “Bà” luỵ, có năm tới 6 đến 7 trường hợp cả ven bờ và trên biển. Xác Ông đã “luỵ”, ngư dân đưa vào trong bờ và chôn cất tại Ngọc Lân thánh địa. Ngọc Lân thánh địa là nghĩa trang chôn cất thi hài các vị hải thần mới chết, trước khi được bốc mộ rửa sạch xương cốt đưa vào thờ phụng trong Đình. Đó là một khoảnh đất có hàng rào bao quanh nằm trước sân Đình, bên trong có một am nhỏ để thắp hương và nhiều loại hoa được trồng xen giữa 24 ngôi mộ đắp đất. Hàng năm, đình Vạn Thuỷ Tú có 5 kỳ tế lễ vào các ngày âm lịch như: Lễ Tế Xuân 20.2 ÂL, lễ Cầu Ngư 20.4 ÂL, lễ Chính mùa 20.6 ÂL, lễ Chèo dọc 20.7 ÂL, và vào ngày 23.8 ÂL là lễ Mãn mùa - cúng giỗ Ông. Trong quá trình diễn ra nghi lễ còn có các hoạt động như hát bội, diễn bã trạo, hội đua ghe...
Nhưng gắn liền với tập tục tín ngưỡng kính trọng, tôn thờ cá Ông voi của ngư dân, hàng trăm năm qua do loài cá thân thiện này thường giúp đỡ, phù trợ ngư dân vượt khỏi vòng nguy hiểm trên biển, trúng mùa cá, Dinh Vạn Thuỷ Tú là nơi chôn cất, lưu giữ hàng trăm bộ cốt Ông lớn, nhỏ qua hàng trăm năm; trong đó, có bộ xương lớn nhất, dài 18m, có niên đại đến nay gần 120 năm; tức cá Voi lưng xám dài nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á, với kích thước, trọng lượng lúc Ông còn sống khoảng 22m, nặng 65 tấn và được bảo quản hầu như không mất một phần xương nào; bộ xương lớn nhì dài 14m, năm ông luỵ 1953 (đến nay cũng được trên 60 năm); việc thờ cúng Ông theo các nghi thức, nghi lễ của ngư dân cũng được thực hiện tại đây.
Năm 1996, Dinh Vạn Thuỷ Tú được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2003, được hỗ trợ của Viện Hải Dương học - Nha Trang, bộ xương đồ sộ này ở Dinh Vạn Thủy Tú được phục chế và hiện đang phục vụ khách tham quan tại nhà trưng bày của Dinh. Hai sự kiện này đã góp phần tôn thêm giá trị của địa chỉ tín ngưỡng - văn hoá miền biển này. Ngày ngày, nơi đây luôn mở cửa đón du khách đến xem và tìm hiểu tín ngưỡng văn hoá dân gian, tín ngưỡng của ngư dân vùng biển vốn hiền hoà và mến khách.